Làm thuê và làm chủ

Bà chủ một doanh nghiệp đăng đàn trên VNExpress viết rằng:
Đã vậy, sau khi cứng cáp một chút, nhiều bạn ngay lập tức ngó nghiêng, nhảy việc. Thực tế đó khiến nhiều doanh nghiệp rất ngại tuyển sinh viên mới ra trường mà luôn yêu cầu tối thiểu vài năm kinh nghiệm. Nó cũng gây ấn tượng không đẹp đến hình ảnh, uy tín, chất lượng của lao động Việt Nam trong con mắt nhà tuyển dụng nước ngoài.
Tôi có cảm giác bà chủ doanh nghiệp này nghĩ rằng thuê sinh viên mới ra trường là ban ơn cho họ, nên sinh viên cứng cáp rồi bỏ đi là đồ vong ơn. Mối quan hệ giữa nhân viên với công ty là một hợp đồng làm ăn, thuận mua vừa bán, chẳng có ơn nghĩa gì ở đây cả. Nếu người làm chủ cảm thấy ban phát ơn huệ khi thuê một ai đó, tức là họ đã thuê nhầm người. Nếu người làm thuê không muốn ra đi vì cảm thấy phải trả ơn, tức là họ đã ở nhầm chỗ.

Nếu là chủ, khi nhân viên không thấy hạnh phúc, muốn ra đi, tôi sẽ làm hết sức để họ hạnh phúc, giữ họ ở lại. Tôi sẽ tạo ra dự án thú vị, đào tạo, huấn luyện, tạo điều kiện để nhân viên thăng tiến về chuyên môn, có một sự nghiệp, trở thành một phần của một cái gì đó lớn hơn và đương nhiên tôi sẽ tăng lương thưởng. Nếu sau khi đã làm tất cả, nhân viên vẫn muốn ra đi, tôi sẽ cảm ơn và viết cho họ một thư giới thiệu. Trách nhân viên không chuyên nghiệp, nhưng liệu bà chủ có chuyên nghiệp hay chưa?

Người làm chủ phải hiểu rằng để thu hút nhân tài họ cần phải có một chế độ đãi ngộ tương xứng và phải tôn trọng người làm việc cho mình. Các công ty ở Silicon Valley cho nhân viên bay business class, ở khách sạn 5 sao, ăn nhà hàng Michelin, còn các công ty Việt Nam sang Silicon Valley tuyển người bằng "lương thấp, đãi ngộ không có gì, nhưng mà đây là giúp đỡ đất nước mà", khắm chịu không nổi.

Người ta muốn nghỉ việc vì điều kiện làm việc không tốt hoặc có cơ hội khác tốt hơn, chứ chẳng ai muốn nghỉ chỉ để "gây ấn tượng không đẹp đến hình ảnh, uy tín, chất lượng của lao động Việt Nam trong con mắt nhà tuyển dụng nước ngoài". Mà trời ạ, nhà tuyển dụng nước ngoài là cái quái gì mà phải lo họ nghĩ xấu về mình? Thuận mua vừa bán, tuyển dụng nước nào không hiểu được nguyên lý cơ bản đó thì cũng chẳng đáng nghĩ đến làm gì.

Bà chủ dẫn lời một ông chủ khác:
Một tổng giám đốc công ty Việt Nam đứng dậy nói ngay: “Thách thức lớn mà các công ty Việt Nam phải đối mặt là cách nghĩ lệch lạc về việc làm và lao động đã ăn sâu vào gốc rễ từng gia đình. Còn năng suất, thực sự có thể cải thiện bằng việc đầu tư máy móc, công nghệ và quy trình”. 
Ông so sánh, người Nhật được giáo dục từ nhỏ rằng tìm việc tại một công ty quan trọng không khác gì việc tìm bạn đời. Sự tận tụy và trung thành được đặt ở gạch đầu dòng trên cùng danh sách các viên gạch làm nên sự nghiệp. Những người càng đổi việc qua nhiều nơi, càng khó được tuyển dụng vào nơi mới.
Tôi nghĩ thách thức đúng là suy nghĩ lệch lạc, nhưng không phải của nhân viên mà của những người làm chủ. Tận tụy và trung thành chẳng quan trọng bằng có làm được việc hay không, có phù hợp với công việc hay không. Thị trường người lao động và chủ lao động tuân theo cung và cầu và được điều chỉnh bởi bàn tay vô hình. Đi ngược quy luật thị trường có thể đã dẫn đến một nước Nhật dậm chân tại chỗ mấy chục năm qua -- thật khó hiểu tại sao người ta lại cứ lấy đó làm gương.

Tôi trung thành với công ty của tôi. Tôi không làm gì gây hại cho công ty (ví dụ như bán dữ liệu, công nghệ cho đối thủ). Tôi luôn quảng bá, giới thiệu, khuyến khích người khác sử dụng sản phẩm dịch vụ của công ty. Tôi luôn làm việc hết sức, làm tròn trách nhiệm và hơn thế nữa. Nếu thấy vấn đề không ổn, gây lãng phí, cần phải sửa, tôi sẽ nhảy vào sửa hoặc báo cho người khác, mặc dù có thể đó không phải là việc của tôi. Không có vấn đề gì ở công ty là vấn đề của người khác. Tôi ở trên một chiếc thuyền và tôi sẽ làm tất cả với những người khác để thuyền về đích.

Nhưng trung thành không có nghĩa là tôi phải gắn bó suốt đời. Công ty không phải là gia đình. Mỗi lần nghe sếp nói "chúng ta là một gia đình" tôi bắt đầu đi tìm việc khác. Tôi có bạn ở công ty, nhưng công ty không phải là bạn của tôi. Tôi luôn làm việc hết mình, nhưng tôi cũng luôn cân nhắc các cơ hội khác. Việc đó chẳng có gì là phi đạo đức, vì mối quan hệ giữa hai bên vẫn là thuận mua vừa bán.

Không những yêu cầu người làm thuê phải trung thành một cách vô lý, các ông bà chủ và cả xã hội Việt Nam còn rất xem thường người làm thuê. Tôi tìm trên Google cụm từ "cũng chỉ là làm thuê" thấy có hơn 30 ngàn kết quả. Mới đây một vị giáo sư toán đầu ngành ở Việt Nam tuyên bố "nếu học tốt mà không sáng tạo chỉ là người đi làm thuê".

Tôi tò mò vì đâu mà xã hội Việt Nam không xem trọng người làm thuê. Có lẽ từ câu châm ngôn "phi thương bất phú"? Tôi đồ rằng văn hóa xem nhẹ người làm thuê có căn nguyên từ văn hóa xem tiền bạc, sự giàu có là thước đo giá trị con người. Ai giàu hơn, ai thành công hơn, người đó ắt thông minh, làm việc chăm chỉ hơn, tài năng hơn, phẩm giá cao hơn, đánh rắm cũng thơm hơn người khác (nhưng kỳ thực, rất có thể chỉ là do họ mới đi ỉa mà thôi).

Nếu ông chủ bà chủ nào cũng xem thường người làm thuê, "chỉ có không làm chủ được mới đi làm thuê", làm sao họ tuyển được người tài giỏi? Ngược lại, nếu người làm thuê nào cũng ngong ngóng muốn làm chủ, "làm thuê suốt đời sao khá nổi", làm sao họ an tâm trao dồi để leo lên những nấc thang mới trong chuyên môn của họ?

Phải chẳng đây là căn nguyên tại sao Việt Nam có ít sản phẩm được biết đến rộng rãi trên thế giới? Các doanh nghiệp không thu hút đủ người tài giỏi để làm ra những sản phẩm đẳng cấp. Anh làm marketing giỏi một chút sẽ mở công ty làm tổ chức sự kiện. Chị làm lập trình giỏi một chút sẽ mở công ty làm outsourcing. Kết quả là một đống doanh nghiệp làng nhàng tạo ra một đống sản phẩm làng nhàng.

Comments

Unknown said…
Chuẩn :). Làm thuê cũng như là đặt những nền móng trong sự nghiệp của chính mình thôi. Móng yếu thì sự nghiệp sau này cũng yếu thôi. Ai không nhảy việc chắc cũng vì do chỗ làm quá an toàn hoặc là sau này về hưu có tiền hưu thôi. Tình trạng nhảy vào nhà nước làm mong 3 4 đồng lẻ về hưu ở Việt Nam khá nhiều và cho tới thế hệ 4.0 này cũng còn khá nhiều bạn trẻ mong muốn vào bộ máy nhà nước VN để hy sinh những năm tháng tuổi trẻ của mình. ;)
Unknown said…
> Các công ty ở Silicon Valley cho nhân viên bay business class, ở khách sạn 5 sao, ăn nhà hàng Michelin

Fun tí, a Thái làm toàn Google đồ thôi nên Silicon Valley trong mắt mới sướng vầy, em thì trước giờ toàn làm cho các startup, được đầu tư cái standing desk đã mừng lắm rồi, không dám nghĩ tới chuyện được bay đi đâu hết :( đã thế lại còn bị phá sản nữa a ạ ;(
Thai Duong said…
Huy: haha you have my email address, right? Google is always hiring, why don't you give yourself another chance?
Anonymous said…
>Mỗi lần nghe sếp nói "chúng ta là một gia đình" tôi bắt đầu đi tìm việc khác.
Đọc tới câu này cười vỡ bụng :)))
Unknown said…
A Thai: Yep I have your email address, but I just landed a job elsewhere already, I guess I'll give Google a chance later :P
Quang Dương said…
chửi hay quá đại ca :v
Quang Nguyễn said…
Mình thích nhất là suy nghĩ này: "Mối quan hệ giữa nhân viên với công ty là một hợp đồng làm ăn, thuận mua vừa bán, chẳng có ơn nghĩa gì ở đây cả. Nếu người làm chủ cảm thấy ban phát ơn huệ khi thuê một ai đó, tức là họ đã thuê nhầm người. Nếu người làm thuê không muốn ra đi vì cảm thấy phải trả ơn, tức là họ đã ở nhầm chỗ"
Tung said…
Đọc đến câu này buồn cười chết mất: "Mỗi lần nghe sếp nói "chúng ta là một gia đình" tôi bắt đầu đi tìm việc khác."
Unknown said…
đây chuẩn là suy nghĩ của người chỉ chuyên đi làm thuê, rất rất chuẩn
Duong said…
Bài viết rất hay, em muốn gửi cho sếp cũ quá, hic hic
Unknown said…
Bài viết hay và nhiều trăn trở.
ThaoNguyen said…
Bài viết hay quá Thái ơi!
Khai Tran said…
Giới chủ thì ở đâu mục tiêu cũng là tối đa hoá lợi nhuận. Nhân công sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận cả ở đầu ra qua năng suất lao động vào đầu vào qua chi phí tiền lương và các chế độ phúc lợi. Nhưng việc tăng đầu ra và giảm đầu vào là không độc lập với nhau. Tăng đầu vào như tăng lương và đãi ngộ, tăng chi phí đào tạo sẽ giúp tăng năng suất lao động. Như vậy sẽ có một điểm cho lợi nhuận cực đại khi tăng chi phí đầu vào với nhân công.

Vậy phát biểu của các ông bà chủ VN trên VnExpress có 2 khả năng:
- Một là không hiểu quy luật này khi muốn giảm chi phí đầu vào cho nhân công nhưng giữ nguyên năng suất lao động (hoặc muốn tăng năng suất lao động nhưng không muốn tăng chi phí cho nhân công)
- Hai là cố tình dùng các các bài học đạo đức để tuyên truyền, tẩy não nhân viên giúp cho họ có cảm giác hạnh phúc mà không cần tăng lương.

Trọng người làm chủ, không trọng người làm thuê cũng không sao, nhưng cái quan trọng là cần có người làm chủ giỏi để tận dụng tốt sức lao động của người làm thuê và cho họ đãi ngộ xứng đáng. Win win cho cả hai bên.
longlx said…
bài hay quá nhưng nếu không có thằng đi làm chủ thì làm thuê cho ai thaidn ơi :)
Unknown said…
Chi dong y voi bai viet ve nhung luan diem chinh (main ideas) trong moi quan he giua nguoi chu lao dong va nguoi lam thue o Vietnam, nhung lai chua dong y voi mot so chi tiet nho (supporting examples). (1) vi du ve dai ngo cho nhan vien o cac cong ty SV (bay busines class, an nha hang Michelin): cai nay chi ap dung voi mot so nhan vien xuat sac o mot so cong ty thoi. Neu nhu vay, o Vietnam cac nhan vien cao cap xuat sac cung co che do nay. Neu cac cong ty o SV ap dung che do nay voi rat nhieu nhan vien thi se nay sinh van de chi phi cao qua, nha` dau tu (VC) (neu la cong ty start-up) hay co dong (neu la cong ty public) se dat dau hoi ve viec quan tri cua cong ty. (2) Mo hinh cong ty Nhat voi nhung nhan vien tan tuy va trung thanh thuc ra van co nhung uu diem nhat dinh. Nhan vien kien nhan, tuan thu quy trinh chat luong, lam ra san pham chat luong cao. Nhan vien toan tam toan y de cai thien san pham, dich vu. Tat nhien la co nhung diem khong tot, nhung y chi la khong nen phu nhan hoan toan mo hinh cong ty Nhat. (3) Viec nhan vien gioi tach ra lam thue cung la quy luat cung cau cua thi truong. Sep khong qua gioi, luong khong phu hop voi nang luc, vay thi tach lam rieng thoi. Thuc ra tach lam rieng, chi thay khong phai la nguyen nhan dan den san pham lang nhang. Neu nguoi lao dong van o lai cong ty ma sep khong co kha nang thi cung van la san pham lang nhang thoi. In short, chi thay bat dau o VN co nhung nguoi chu lao dong gioi, san sang tra luong cao cho nguoi co nang luc, vay cung la dau hieu dang mung. Chi Linh hang xom:)
Unknown said…
Mỗi lần nghe sếp nói "chúng ta là một gia đình" tôi bắt đầu đi tìm việc khác.
Tôi như con bò kiếm tiền về giúp ông - Vanh Leg :))
Unknown said…
Bài viết rất hay.. Và ở việt nam, còn một vấn đề cực kì nghiêm trọng nữa.. Đó là "Team Building" trên bàn nhậu...
Điền said…
Quá tuyệt vời, rất mong được gặp a Thái ngoài đời để đàm đạo.
Anh Nguyen said…
Chào anh Thái,

Em tên Tuấn Anh, 27 tuổi. Em hiện là admin của 1 trang cộng đồng về nội dung đi làm. Điểm riêng của page là tập trung vào góc nhìn cá nhân, chia sẻ rât thật, confess từ cộng đồng.
Vừa qua em có vô tình đọc bài viết Làm thuê và làm chủ của anh, do thấy bài hợp với tiêu chí mà mình xây dựng, em đã post bài và ghi rõ nguồn. Tuy nhiên, em cảm thấy áy náy vì chưa có lời xin phép chính thức từ anh.
Trước tiên, mong anh chấp nhận lời xin lỗi muộn vì sự bất cẩn này. Bên cạnh đó, em xin phép anh được post nội dung này lên page của em. Trong trường hợp anh không đồng ý, em sẽ gỡ xuống.
Rất cám ơn anh vì đã dành thời gian cho email này. Một lần nữa, em xin lỗi vì sự bất cẩn và mong nhận được phản hồi từ anh. Chúc anh một ngày tốt lành

https://www.facebook.com/chuyencongso1001/
https://www.facebook.com/chuyencongso1001/photos/a.600592420286471.1073741828.600567050289008/652810828397963/?type=3&theater
Thai Duong said…
Không sao Tuấn Anh.
Ly Nhan said…
chào anh Thái,
Em là Nhân, author của trang codefun.dev - một trang để các bạn lập trình chia sẽ kiến thức để học hỏi lẫn nhau ạ, hôm nay đọc được bài viết của anh thì em đã nhận ra được khá nhiều điều, có cái nhìn khác về giá trị của bản thân.
Nay em xin phép được chia sẽ câu chuyện này của anh lên codefun được không ạ. Em sẽ nghi nguồn và tác giả đầy đủ ạ.
Mong nhận được phản hồi sớm từ anh.
Thai Duong said…
Chia sẻ thoải mái nhé Nhân.
Huyy said…
Em xin chia sẻ bài viết của anh , hay quá.