Thư ngỏ gửi nhà báo Minh Quang và ban biên tập báo Tuổi Trẻ

(Thư này đã được gửi cho báo Tuổi Trẻ ở địa chỉ toasoan@tuoitre.vn)

Tôi đọc bài báo Triệt phá “Tập đoàn thánh bóc” chuyên đả kích người nổi tiếng (đăng trong mục PHÁP LUẬT, quả là một cách chơi chữ rất hay của Tuổi Trẻ) và tự hỏi báo Tuổi Trẻ đã trở thành cơ quan ngôn luận của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao từ khi nào? Tôi cũng hết sức ngạc nhiên, chẳng lẽ báo Tuổi Trẻ có chiếc máy thời gian, đã đi đến tương lai để tham dự phiên tòa xử "Thánh Cô", biết được kết quả rồi quay về viết báo cáo?

Nếu không phải như vậy, tại sao nhà báo Minh Quang và ban biên tập lại cho mình cái quyền kết tội và "triệt phá" một người dân vô tội? Quyền kết tội một công dân được hiến pháp trao và chỉ trao cho Tòa Án các cấp, mà đại diện cuối cùng trước pháp luật là Tòa Án Nhân Dân Tối Cao. Cho đến khi nào Tòa Án xét xử và tuyên bố "Có tội", mọi công dân đều vô tội và không một ai có quyền kết tội họ cả.

Quy trình xét xử của chúng ta hiện đã rất nghiêm minh. Đầu tiên công an bắt: có tội mới bị bắt. Phải khai, cấm im lặng, muốn diễn biến hòa bình hả mậy? Sau đó báo chí đăng tin: có tội mới bị lên báo, chứ không ai rảnh mà đi triệt phá. Tiếp theo ra tòa xử: phải có tội mới bị xử, không có lửa làm sao có khói. Cuối cùng ở tù: không ai oan mà bị ở tù cả, ở tù chính là có tội.

Nhưng tôi nghĩ với vai trò tích cực của Tuổi Trẻ, chỉ cần nghe theo lời Cơ Quan Điều Tra là đủ để kết tội, không cần xử, có lẽ chúng ta nên cho các ông quan tòa về hưu, ai còn muốn làm việc tiếp thì được cơ cấu chuyển sang các rạp xiếc cho đúng chuyên môn đã được đào tạo. Bỏ bước xét xử sẽ là một cải tiến lịch sử của ngành tư pháp nước nhà. Nó giúp giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà, chẳng những bớt làm khổ người dân mà còn tiết kiệm tiền thuế.

Về phần mình, báo Tuổi Trẻ cũng nên mời ông Nguyễn Thanh Chấn về làm tổng biên tập, vì với kinh nghiệm ở tù oan 10 năm của mình chắc hẳn ông Chấn hiểu rõ làm sao để kết tội, bất kể có tội hay không, một cách hiệu quả nhất.

Comments